Trừ đi : Tính nhân bản trong văn chương miền Nam thời chiến (bài 7 – tạm kết)

Văn chương miền Nam thời chiến dù đa dạng, dù nhiều khuynh hướng sáng tác, dù người chọn viễn mơ, kẻ chọn dấn thân, người chủ hòa, kẻ chủ chiến, dù là Trình Bày, Đối Diện, Đất nước hay Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, với những lập trường chủ trương có khi dị biệt, tuy nhiên, tất cả có một điểm chung là người viết, họ  đã viết những gì họ cần viết.
Có nên đăng lại bài thơ TRừ đi của Chế Lan Viên để tạm kết lọat bài mang chủ đề này không. Tôi nghĩ, những điều mà CLV đã muốn chúng ta trừ đi trong thơ ông, và những thứ mà ông đã giết như tiếng đau, tiếng cười, kỷ niệm, ước mơ, giết cái cánh sắp bay, giết cả mặt trời trên biển. Giết cỏ mọc trong mưa… Những điều, những cái mà ông muốn trừ đi hay đã  giết ấy, tất cả đều có mặt trong văn chương miền Nam. Văn chương miền Nam đã cọng vào dùm ông rồi. Ông khỏi  cần bận tâm.

Có điều, khó tìm lại ông ơi. Chúng đã nằm trong mộ huyệt phần thư sau tháng 4-1975.

Trừ đi

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay…trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.

Chế Lan Viên

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading